Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Không có gì quí hơn Độc lập – Tự do

Năm 2010: Xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Posted by Tuần tin tức trên 14.01.2010


Xuất khẩu Việt Nam bước sang năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn, bới trong năm nay những thị trường chính của xuất khẩu Việt Nam như Hoa Kỳ, EU vẫn áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, hay đưa ra những rào cản kỹ thuật. Đây sẽ là những trở ngại chung với tất cả các nước xuất khẩu vào những thị trường này, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều rào cản thương mại

Hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện khắt khe hơn và phải cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường Mỹ và EU. Nhóm hàng cần lưu ý là cá tra và cá ba sa, vốn bị Hoa Kỳ khởi kiện và đưa vào danh mục bị áp thuế chống bán phá giá. Gần đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ có ý định đưa cá tra và cá ba sa của VN vào nhóm hàng “catfish” để loại cá này phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý chất lượng của Hoa Kỳ, từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận tải và bảo quản.

Mới đây vào chiều ngày 13-1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định lùi thời hạn công bố cuối cùng xem xét việc 4 công ty xuất khẩu cá tra của Việt Nam là QVD, Vĩnh Hoàn, Samefico và Cadovimex II có bán phá giá cá tra trong giai đoạn từ ngày 1-8-2007 tới ngày 31-7-2008 hay không.



Xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2010. Ảnh internet

Trước đó, trong quyết định sơ bộ đưa ra hồi tháng 9-2009, DOC cho rằng, 4 công ty trên không bán phá giá phi lê cá tra đông lạnh tại thị trường Mỹ trong khoảng thời gian trên. Theo đó, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 2-1-2010 song DOC đã tiếp tục gia hạn thêm 60 ngày.

Nguyên nhân DOC đưa ra là thời hạn 2-1 không khả thi để hoàn thành kết quả cuối cùng đối với doanh nghiệp mới và việc xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 5 đối với một số sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam.

Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như giày dép, dệt may cũng gặp khó khăn trong việc giành thị trường. Việc EU chưa gỡ bỏ thuế chống bán phá giá mới đây khiến da giày VN vẫn còn nhiều khó khăn đeo đẳng.

Kể từ năm 2006 khi EU áp thuế chống bán phá giá giày mũ da sản xuất tại VN xuất khẩu sang EU là 10%, giày da VN lại bắt đầu một chu kỳ mới của khó khăn. Cuộc bỏ phiếu ngày 19/11, Ủy ban chống bán phá giá của EU đã bác bỏ đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc kéo dài thời hạn áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng giày da nhập khẩu từ VN và Trung Quốc. Tuy nhiên, EC chưa chịu chấp nhận thất bại này và dự định đưa đề xuất trên ra biểu quyết ở cấp bộ trưởng vào tháng 12/2009.

Các DN kinh doanh sản xuất da giày dự kiến năm 2009, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ chỉ đạt ở mức xấp xỉ năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày VN có mức tăng trưởng trung bình hàng năm 16%, được coi là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ chính của quốc gia. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, dự tính kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ngành da giày VN sẽ đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2010 cũng khó thành hiện thực.

Sau khi EU công bố, từ ngày 1/1/2009 loại mặt hàng giày da VN ra khỏi danh sách các nước được hưởng GSP (thuế quan ưu đãi dành cho những quốc gia nghèo), khiến một số hợp đồng gia công đã bị chuyển dịch sản xuất từng bước sang các nước Châu Á khác như ấn Độ, Indonesia, Campuchia hay Myanmar dẫn tới kim ngạch XK giảm. Tới đầu tháng 11/2009, với kim ngạch 3,209 tỷ USD chỉ bằng hơn 80% kim ngạch của cùng kỳ năm 2008.

Những hạn chế và khó khăn kể trên cho thấy việc VN trở thành nước XK giày da có thứ hạng không phải do chúng ta có một chiến lược phát triển hay có nền công nghiệp da giày mạnh mà cơ bản do ta có nguồn nhân lực rẻ.

Nỗ lực giành lại thị trường

Tuy gặp phải rất nhiều khó khăn trên con đường xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khác, nhưng với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước hàng hóa của Việt Nam vẫn đững vững trong cơn bão suy thoái toàn cầu. Thực tế, người tiêu dùng Mỹ và Châu Âu vẫn ưu ái hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định lại cơ cấu giá cả hợp lý trên cơ sở vẫn giữ vững được chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Xuất khẩu của dệt may VN ở hầu hết các thị trường trọng điểm đều giảm, tuy nhiên, ngành dệt may VN vẫn được đánh giá là thành công nhờ thực hiện nhiều biện pháp trong đó có việc luôn tìm kiếm thị trường mới. Theo số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm 2009, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng 50%, vào Ảrập Xeut tăng 23%, vào Thụy Sĩ tăng 12,7%, vào các nước Asean tăng 7,8%. Hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 700 triệu USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc cũng đạt được mức tăng cao.. Kết quả này là do Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN, Nhật Bản được ký kết gần đây đã giúp doanh nghiệp các nước giải quyết những khó khăn về thủ tục, nguồn vốn… đẩy cán cân thương mại hai chiều phát triển. Theo các chuyên gia phân tích, đây là điều thuận lợi nhất của ngành dệt may trong nước, bởi yêu cầu chứng minh xuất xứ nguồn gốc nguyên phụ liệu vốn là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước đã được tháo nút.

Dệt may là một trong số nhóm hàng chính của xuất khẩu Việt Nam. Ảnh internet

Các doanh nghiệp dệt may đang hy vọng sẽ có sự bứt phá về đơn hàng xuất khẩu và giá gia công ký được trong 2 tháng cuối năm, với mức tăng trung bình khoảng 10%, giúp ngành mang về giá trị xuất khẩu cao hơn. Điều quan trọng, đó sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp thêm kỳ vọng vào xuất khẩu trong năm 2010.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều nhà nhập khẩu lớn, thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ như Gap, Union Bay… đang đàm phán giá gia công xuất khẩu cho năm 2010 tại nhiều doanh nghiệp, với mức tăng từ 5 – 10% cho đơn hàng quý I/2010.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong vòng 10 năm qua, sản lượng cá tra  của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần và hiện đang chiếm tới 99,9% thị phần thế giới.

Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối lượng cá xuất khẩu đạt hơn 825 tấn đã đạt hơn 1,44 tỉ USD, chiếm khoảng 2% GDP. Trong 6 tháng đầu năm 2009, sản lượng xuất khẩu cá tra là 264.000 tấn, đạt giá trị 600 triệu USD.

Hiện đã là một trong những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, trong tương lai không xa, xuất khẩu cá tra có thể sẽ “qua mặt” cả mặt hàng lúa gạo.

Tuy nhiên từ trước đến nay việc quản lý nghề nuôi và chế biến cá tra gần như “bỏ ngỏ”. Diện tích ao nuôi được mở rộng đến đâu thì nhà máy chế biến lại mọc lên đến đó. Mặc dù VASEP đã có nhiều đề xuất tập hợp doanh nghiệp chế biến lại, tuy nhiên cho đến nay mối liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn khá lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, nên đã phát sinh tình trạng tự phá giá lẫn nhau gây thiệt hại và làm giảm uy tín thương hiệu cá tra, basa Việt Nam.

Bên cạnh đó, mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất rất rời rạc, lợi nhuận sản xuất phân bố không hợp lý cũng tạo nên sự bất ổn.

Để sản xuất và tiêu thụ cá tra ổn định và bền vững, giải pháp trước mắt mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra là bám sát thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài nước, chú trọng thị trường trong nước, tổ chức tốt mối liên kết giữa nhà chế biến xuất khẩu và người nuôi cá tra, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, cùng tồn tại và phát triển; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường vùng nuôi; nâng cao chất lượng con giống, tăng chất lượng sản phẩm; giảm chi phí đầu vào.

// <![CDATA[//

Phương Ly

Bình luận về bài viết này