Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Không có gì quí hơn Độc lập – Tự do

"Ý chí của dân là bức thành giữ nước"

Posted by Tuần tin tức trên 25.12.2009


Nghệ thuật quân sự mới được hình thành từ Bình Lệ Nguyên – Đông Bộ Đầu, rồi tiếp tục phát huy trong 2 cuộc đại thắng Nguyên Mông lần sau. Trong cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ 3, nhà Trần chủ động rút khỏi thành Thăng Long, đẩy giặc vào thế bị động, rồi đánh cho chúng đại bại trong trận Bạch Đằng lịch sử (năm 1288).

Đối đầu với kẻ thù hùng mạnh nhất

Sáng 23/12, những người nghiên cứu lịch sử, lịch sử quân sự, văn hóa… đã gặp nhau tại Hà Nội trong hội thảo khoa học “750 năm chiến thắng Đông Bộ Đầu và những thành tựu xây dựng, bảo vệ kinh đô của nhà Trần”. Bị lùi lại 1 năm (lẽ ra phải kỷ niệm vào năm 2008), nhưng cũng là cái duyên khiến hội thảo về nhà Trần diễn ra ngay sau hội thảo kỷ niệm 1000 năm vương triều Lý, trước thềm năm 2010 lịch sử, để cùng nhắc lại những bài học không bao giờ cũ gắn với triều đại oanh liệt đã 3 lần đại thắng quân Mông Nguyên, đế chế của Thành Cát Tư Hãn hung hãn, tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, đã chiếm lĩnh toàn bộ miền Bắc Trung Quốc, miền Trung Á, Tây Á, sang tới tận Đông Âu.

Trong đó, cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất nằm trong kế hoạch chinh phạt lớn của đế chế Mông Cổ (thời Mông Kha) nhằm tiêu diệt Nam Tống, chiếm lĩnh toàn bộ miền Nam Trung Quốc. Đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai với khoảng 5000 kỵ binh thiện chiến và 2 vạn quân Đại Lý thông thuộc địa hình núi rừng vùng giáp biên cương với Đại Việt do vua Đại Lý, sau khi đã đầu hàng đế chế Mông Cổ, thống lĩnh. Đạo quân này nhận trách nhiệm đi vòng xuống chiếm Đại Việt, dùng Đại Việt làm bàn đạp mở mũi tiến công bất ngờ đánh vào phía nam nhà Nam Tống.

Chiến thắng Đông Bộ Đầu lừng danh trong lịch sử, bởi đây là nơi vua tôi nhà Trần, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông, đã có cuộc phản công mãnh liệt khiến quân Mông Cổ đại bại, phải bỏ kinh thành Thăng Long tháo chạy về Vân Nam sau 10 ngày chiếm đóng (từ 18 – 29/1/1258). Cái tên Đông Bộ Đầu quen thuộc trong lịch sử, nhưng không phải ai cũng biết địa danh này ở ngay trong Hà Nội, vị trí dốc phố Hàng Than, Hòe Nhai ra bờ sông, phía trên cầu Long Biên ngày nay, thời nhà Trần đây quân cảng của Thăng Long.

Nhiều cột mốc của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất đã được các nhà khoa học nhìn lại bằng lăng kính của hôm nay.

Chủ động đẩy giặc vào thế bị động

Vạn sự khởi đầu nan, lần chạm trán đầu tiên của quân Đại Việt cũng do vua Trần Thái Tông chỉ huy với đế chế Mông Cổ tại Bình Lệ Nguyên (thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ngày nay) vào ngày 17/1/1258, ta đã thất bại. Chính vua Trần thân chinh cưỡi voi đốc chiến, nhưng trước thế trận ngày càng bất lợi, vua đã nghe lời can hết sức tỉnh táo, mưu trí của dũng tướng Lê Tần: “Nếu bây giờ bệ hạ làm như thế thì chỉ như người dốc hết túi tiền để đánh một tiếng bạc mà thôi. Thần tưởng hãy nên lánh đi, không nên khinh thường mà nghe người khác” để kịp thời theo sông Cà Lồ rút lui, tạm chịu thất bại đầu tiên. Chưa hết, ngày hôm sau (18/1/1258), ta tiếp tục chặn địch tại sông Phù Lộ, nhưng cũng chỉ làm chậm lại bước tiến của giặc về Thăng Long, kịp cho triều đình rút khỏi kinh thành.

Quân dân Đại Việt lần đầu tiên phải đương đầu với một kẻ thù hoàn toàn mới lạ, chưa hình thành được tư tưởng chiến lược nào thật hiệu quả. Thất bại trong trận Bình Lệ Nguyên biểu thị sự lúng túng trong sự đối phó với giặc. Lần đầu tiên trong lịch sử, gần 250 năm sau ngày Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, triều đình nhà Trần đã phải bỏ rút khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, bảo vệ bộ máy đầu não của vương triều. Nhưng kể cả trong hoàn cảnh đó, khi nhiều nhân vật “sừng sỏ” của triều đình có ý quy hàng, thì Thái sư Trần Thủ Độ, vị tướng già mưu lược vẫn thể hiện khí phách kiên định “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng sự rút lui của vua tôi nhà Trần hoàn toàn đúng đắn. Quân địch chiếm được kinh thành, nhưng chỉ là một tòa thánh trống vắng, dân 61 phường của kinh thành cũng đã rút khỏi kinh thành. Như GS Phan Huy Lê nhận định, lần đầu tiên, quân Mông Cổ chiếm được kinh thành nhưng lại không thể kết thúc thành công cuộc chinh phạt, ta tạm để mất kinh thành nhưng cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.

PGS Văn Đức Thanh lại nhìn trận Bình Lệ Nguyên là sự mở đầu cho việc hình thành nghệ thuật chỉ đạo rút lui chiến lược của nhà Trần trong các cuộc kháng chiến sau này. Ông nói: “Trước một kẻ thù lớn mạnh đang muốn phát huy ưu thế để tiêu diệt quân chủ lực của ta và bắt sống bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh xâm lược, ta chủ trương tránh những trận quyết chiến trong điều kiện không có lợi cho ta, quyết định rút lui chủ lực nhằm bảo toàn lực lượng và triều đình, nhân dân làm vườn không nhà trống, không cho giặc bắt người, cướp của. Sau đó chuẩn bị lực lượng và thế trận, tạo thời cơ tổ chức phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt quân xâm lược, giành thắng lợi cuối cùng”.

Nghệ thuật quân sự mới được hình thành ở đây, rồi tiếp tục phát huy trong 2 cuộc đại thắng Nguyên Mông lần sau. Trong cuộc kháng Nguyên Mông lần thứ 3, nhà Trần chủ động rút khỏi thành Thăng Long, đẩy giặc vào thế bị động, rồi đánh cho chúng đại bại trong trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288.

Câu trả lời dõng dạc nhất trong lịch sử

Nhiều bài học khác từ chiến thắng Đông Bộ Đầu đã được “mổ xẻ” thấu đáo. Khi cánh quân tiên phong nhà Trần chớp thời cơ về đến Đông Bộ Đầu giữa đêm, thấy địch “người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên” đã hạ lệnh tấn công ngay mặc dù chưa đến “giờ G”. Lúc đó, thủy binh và đạo quân chủ lực còn chưa về đến nơi. Khi quân địch tháo chạy về Vân Nam theo đường hữu ngạn sông Hồng, đến trại Quy Hóa, chủ trại Hà Bổng không đợi lệnh, đã chớp thời cơ, dân quân bản bộ bất ngờ tập kích, gây cho quân địch tổn thất nặng nề.

Lần đầu tiên trong lịch sử Thăng Long, trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc – trận Đông Bộ Đầu – đã diễn ra trên đất Thăng Long, đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, ngay thời điểm đế chế Mông Cổ hung hãn bậc nhất, chưa hề nếm mùi thất bại trong cuộc trường chinh xâm lược cả ở châu Á lẫn châu Âu. Chiến thắng Đông Bộ Đầu, như PGS Văn Đức Thanh nhận xét, là câu trả lời “dõng dạc” cho thất bại trước đó ở Bình Lệ Nguyên, cho sự chuyển giao quyền lực giữa hai vương triều vĩ đại Lý-Trần.

3 lần chiến thắng Nguyên Mông, trong đó chiến thắng Đông Bộ Đầu là dấu son đầu tiên, là cống hiến to lớn của vương triều Trần trong lịch sử anh hùng của dân tộc, của kinh thành Thăng Long.

Tư tưởng và nghệ thuật quân sự của nhà Trần được xác lập và hoàn thiện trong kháng chiến chống xâm lược Nguyên, Mông lần thứ hai, thứ ba, sau này đã được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tổng kết trong di chúc viết vào năm Canh Tý (1300) là “dĩ đoạn chế trường”, “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức”, “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc”, “chúng chí thành thành” (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước”.

Như GS Phan Huy Lê tổng kết, thực chất đó là chủ trương “dựa vào dân, đoàn kết toàn dân để đánh giặc, biết tránh quyết chiến trước thế mạnh ban đầu của giặc, tổ chức rút lui để bảo toàn lực lượng, đồng thời phát động toàn dân đánh giặc bằng các đội “dân binh” của làng xã, bằng kế “thanh dã”… tiêu hao sinh lực địch, rồi tạo thời cơ phản công giành thắng lợi quyết định”.

Có thể nói, bài học quân sự của vua tôi Trần Thái Tông, của vương triều Trần đã được áp dụng không biết bao nhiêu lần không chỉ trong thời đại quân chủ, mà cả trong lịch sử giữ nước của thế kỷ 20.

Bình luận về bài viết này