Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Không có gì quí hơn Độc lập – Tự do

Quy trình 10 điểm để Việt Nam phát triển khác Trung Quốc (P.1)

Posted by Tuần tin tức trên 25.12.2009


Nếu chọn phát triển là mục tiêu thì cơ chế quản lý và điều hành đất nước là yếu tố đầu tiên cần phải thay đổi. Cơ chế quản lý ôm đồm, không quản được thì cấm đã trở nên lạc hậu – TS Giáp Văn Dương.

LTS: Trong phần trước, tác giả Giáp Văn Dương cho rằng, khác với Trung Quốc lấy Ổn định để Phát triển, trong mối quan hệ Ổn định – Phát triển, Việt Nam nên chọn Phát triển làm điểm đột phá, làm tiền đề kiến tạo Ổn định. Việt Nam cần sớm chính danh hóa mô hình này và triển khai vào thực tế, với quy trình 10 điểm.

Phần 2

Trong phần 2 này, tác giả thảo luận quy trình mười điểm nhằm mục đích xây dựng và triển khai mô hình Phát triển để ổn định vào thực tế sao cho hiệu quả.

1. Đổi mới cơ chế quản lý và điều hành đất nước

Nếu chọn phát triển là mục tiêu thì cơ chế quản lý và điều hành đất nước là yếu tố đầu tiên cần phải thay đổi. Cơ chế quản lý ôm đồm, không quản được thì cấm đã trở nên lạc hậu và trở thành nhân tố chính cản trở sự phát triển, đến mức khi gặp khó khăn, ách tắc, bất cứ ai cũng có thể thốt lên một câu cửa miệng: Tại cơ chế!

Khi tất cả cùng thống nhất mọi sự là “tại cơ chế”, thì cơ chế là thứ đầu tiên cần phải thay đổi.

Thay đổi cơ chế quản lý và điều hành đất nước sẽ giúp giải phóng mọi nguồn lực để phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là giải phóng tư duy và giải phóng năng lực sản xuất.

Giải phóng năng lực tư duy của mọi cá nhân, đặc biệt là của tầng lớp trí thức, sẽ giúp vượt qua những nếp tư duy cũ đã lỗi thời, sửa chữa những khiếm khuyết, gập ghềnh của con đường đang đi và tìm ra những con đường phát triển mới.

Giải phóng năng lực sản xuất sẽ tạo ra của cải dồi dào cho xã hội mà khoán 10 là một ví dụ điển hình. Chỉ bằng việc thay đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp mà trong một thời gian ngắn, Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nói nôm na là từ một nước đói ăn, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Trong việc thay đổi cơ chế quản lý và điều hành đất nước, thì cải cách hành chính đóng vai trò quyết định.

Hệ thống hành chính thực chất là hệ thống quản lý và điều hành đất nước, là hiện thân của hệ thống chính trị. Do đó, cải cách hành chính thực chất là phần quan trọng và thiết thực nhất của cải cách chính trị, là giải pháp thay thế và lối thoát cho cải cách chính trị. Vì thế, cải cách hành chính cần được nhìn nhận đúng bản chất, đúng tầm quan trọng và đòi hỏi quyết tâm chính trị để hoàn thành.

Mục tiêu của cải cách hành chính là tạo ra một hệ thống hành chính gọn nhẹ, minh bạch, hiệu quả. Chỉ có như thế, những nút cổ chai cản trở sự phát triển mới được tháo gỡ. Mục tiêu phát triển mới có cơ hội để trở thành hiện thực.

2. Tái cấu trúc nền kinh tế và mô hình quản lý

Song song với việc thay đổi cơ chế vận hành thì cơ cấu của hệ thống cũng cần phải thay đổi. Quan trọng nhất là cơ cấu của nền kinh tế và mô hình quản lý cần phải được cấu trúc lại sao cho phù hợp hơn, hiệu quả hơn và đặt trong một tầm nhìn tổng thể, dài hạn.

Cơ cấu là hữu hình, cơ chế là vô hình, hai thứ này tương tác qua lại lẫn nhau như phần “xác” và “hồn” của một con người, nên không thể thay đổi cơ chế mà không cấu trúc lại cơ cấu một cách tương ứng.

Cơ cấu nền kinh tế đang có những bất cập lớn. Bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước đang có tỷ trọng quá lớn, chiếm hầu hết đầu tư của nhà nước về vốn, đất đai và hưởng nhiều lợi ích về cơ chế, nhưng lại tạo ra lợi nhuận và số công ăn việc làm quá ít so với khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đã đến lúc, cần phải kiên quyết thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp và lấy hiệu quả kinh tế, đóng góp cụ thể cho xã hội, như số lượng việc làm tạo ra, tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư, số tiền thuế đóng cho nhà nước làm cơ sở đánh giá và đầu tư tín dụng, đất đai cho doanh nghiệp.

Cơ cấu các ngành nghề cũng cần được xem xét lại, trong đó ưu tiên những ngành có hàm lượng chất xám cao, không chỉ ở sản phẩm cuối cùng mà ở cả trong quá trình gia công sản phẩm.

Mô hình tăng trưởng dựa vào việc mở rộng qui mô vốn và lao động giá rẻ đã đạt đến đỉnh điểm và bắt đầu phản tác dụng mà biểu hiện cụ thể là chất lượng phát triển thấp, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, nên cần phải thay đổi.

Doanh nghiệp là phần cấu thành quan trọng nhất của nền kinh tế. Vì thế, tái cấu trúc nền kinh tế phải đi liền với tái cấu trúc doanh nghiệp, ở đó, các vấn đề về sở hữu, vốn, chiến lược kinh doanh… cần có sự cấu trúc lại.

Điển hình của việc tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước. Đây là một chính sách đúng. Tiếc rằng, cổ phần hóa lại diễn ra quá mức chậm chạp và ẩn chứa đầy rẫy vấn đề cần giải quyết.

Bên cạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế, mô hình quản lý cũng cần được tổ chức lại. Cơ chế Bộ chủ quản nên bãi bỏ, vì đây là động tác quản lý thừa. Bộ chỉ nên điều hành và giám sát thông qua các văn bản pháp luật thay vì trực tiếp quản lý nội dung hoạt động của các tổ chức trực thuộc. Lý do là Bộ chủ quản không bao giờ có đủ thời gian và nguồn lực để am hiểu mọi hoạt động của tổ chức trực thuộc, nên việc quản lý trở thành hình thức, và trực tiếp cản trở sự vận hành và phát triển của chính các tổ chức, cơ quan trực thuộc đó.

Nhà nước, thay vì làm kinh tế, nên chuyên tâm điều tiết nền kinh tế bằng các công cụ pháp lý và tài chính vĩ mô và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình: quản lý, giám sát và điều hành đất nước thông qua luật pháp; thu thuế và đầu tư vào hạ tầng quốc gia, dịch vụ công và các ngành kinh tế bị thị trường bỏ ngỏ; bảo vệ an ninh cho người dân và bảo vệ chủ quyền đất nước, v.v.

3. Mở rộng dân chủ

Dân chủ giúp khai thác tối đa khả năng đóng góp của mọi công dân, vì thế là yếu tố quan trọng sống còn để phát triển. Thực tế, đã có những bước chuyển đáng kể về việc mở rộng dân chủ trong Đảng và mở rộng dân chủ cơ sở. Đây là hướng đi rất đúng đắn. Chỉ tiếc rằng, do còn chưa rõ ràng giữa hai nhu cầu Ổn định và Phát triển, nói cách khác, giữa hai lựa chọn Ổn định để phát triển hay Phát triển để ổn định mà việc mở rộng dân chủ gặp một số khó khăn đáng kể, đôi khi từ chính hệ thống công quyền và luật pháp hiện hành.

Cụ thể, dự thảo thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã hoặc bỏ Hội đồng Nhân dân cấp quận/huyện có thể gặp phải những cản trở từ chính bản hiến pháp hiện hành.

Đoàn kết để huy động sức mạnh, cùng chung tay phát triển.

Đoàn kết là sức mạnh. Nhưng sức mạnh đó lấy từ đâu nếu không phải là từ mọi thành phần tham gia khối đoàn kết đó? Vì thế, nếu không có cơ chế dân chủ để khai thác sức mạnh của toàn khối đoàn kết đó thì sức mạnh sẽ mãi mãi ở dạng tiềm năng, nếu có thể hiện ra thì cũng chỉ là một phần rất nhỏ.

Nếu lựa chọn Phát triển để ổn định thì dân chủ là yếu tố quyết định giải phóng tiềm năng của mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng… tạo điều kiện cho công cuộc phát triển được hoàn thành. Vì thế, dân chủ cần được mở rộng hơn nữa, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

3. Nâng cao năng lực lãnh đạo

Lãnh đạo là người chèo lái con tàu quốc gia. Năng lực lãnh đạo quyết định tốc độ và đích đến, cũng như việc tránh được những khó khăn trở ngại trong suốt hành trình.

Muốn có được những lãnh đạo tốt, có năng lực thì qui trình bổ nhiệm, sử dụng và sàng lọc cán bộ cần phải có những điều chỉnh, sao cho thu hút được người tài vào hệ thống quản lý và điều hành đất nước.

Trong số những phẩm chất cần có của lãnh đạo, thì những phẩm chất sau cần được ưu tiên đặc biệt: lắng nghe dân, hiểu dân; lấy dân làm gốc; tài năng đảm lược, tầm nhìn rộng; phẩm chất đạo đức tốt; biết cách tập hợp tài năng quanh mình; dũng cảm đưa ra những quyết định lớn khi cần thiết; dám đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Chỉ khi nào có được lãnh đạo có những phẩm chất như vậy thì đất nước mới có thể phát triển. Vì thế, nâng cao năng lực lãnh đạo, nhất là tầng lớp lãnh đạo cao cấp, là nhân tố quyết định việc đưa đất nước phát triển thành công hay thất bại.

4. Trọng dụng trí thức, chuyên gia

Người xưa nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp“. Điều này ngày xưa đúng thì ngày nay càng đúng hơn. Vì sao? Vì việc cạnh tranh ngày nay không chỉ diễn ra với một vài nước xung quanh như ngày xưa, mà cạnh tranh trên qui mô toàn cầu, ngày càng gay gắt trong mọi lĩnh vực, nên vai trò của người tài ngày càng quan trọng hơn đối với công cuộc phát triển đất nước.

Trí thức, chuyên gia là tinh hoa, là bộ óc của dân tộc, là đầu tàu kéo đất nước đi lên. Nếu trí thức, chuyên gia không được trọng dụng, không được tạo điều kiện để cống hiến, thì không chỉ tốc độ phát triển sẽ chậm lại, mà nguy cơ tụt hậu, chệch hướng, hỗn loạn và đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Thực tế đã có quá nhiều bài học vì nôn nóng, duy ý chí, bỏ qua lời cảnh báo của trí thức, chuyên gia mà đất nước phải trả những giá rất đắt bằng thời gian và phát triển.

Nhìn sang những nước phát triển nhanh, đều thấy họ không chỉ trọng dụng giới trí thức chuyên gia trong nước mà còn tìm mọi cách thu hút giới trí thức chuyên gia nước ngoài mà Hàn Quốc và Singapore là hai ví dụ điển hình.

Vì thế, xây dựng và hoàn thiện cơ chế trọng dụng trí thức, chuyên gia; tạo điều kiện cho giới trí thức, chuyên gia được cống hiến có vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và đúng hướng.

5. Gỡ nút cổ chai, tháo gông cùm mềm

Trong giao thông, những nút cổ chai là nơi gây tắc nghẽn. Có khi chỉ vì một nút cổ chai mà cả hệ thống đang vận hành trơn tru bị ách lại, mà điển hình là tham nhũng và hành chính quan liêu. Vì thế, việc xác định và tháo gỡ những nút cổ chai trong cơ chế giám sát, điều hành và quản lý, trong hệ thống hành chính, thậm chí trong cả tư duy và cách thức tổ chức, có vai trò quyết định trong việc tạo ra một hệ thống các hành lang thông thoáng thúc đẩy sự phát triển.

Hệ thống các hành lang này, mà quan trọng nhất là hành lang tư duy, hành lang pháp lý và hành lang tổ chức, cần phải đảm bảo các yếu tố thông thoáng, minh bạch, công bằng, hiện đại và hội nhập.

Những tiêu chuẩn mà ta vươn tới cần phải là những chuẩn của ngày hôm nay và là tiêu chuẩn chung mà cả thế giới tuân theo. Chỉ có như thế, sức mạnh liên đới của cả hệ thống mới được giải phóng, môi trường đầu tư kinh doanh mới được thuận lợi, thương mại quốc tế mới được thúc đẩy, các hoạt động văn hóa, khoc học, giáo dục, v.v. mới có điều kiện để phát triển.

Nhiều nút cổ chai trong tư duy, trong tổ chức, trong hệ thống hành chính – công quyền, trong các lý thuyết kinh tế – chính trị – xã hội lâu ngày đã biến tướng trở thành các gông cùm mềm, có sức nặng kinh hoàng của quán tính lịch sử và văn hóa. Những gông cùm này, tuy mềm mại và vô hình, nhưng khóa tay khóa chân và làm đông cứng tư duy, cản trở sự phát triển và bào mòn năng lực của dân tộc.

Đó là lý do vì sao “Việt Nam có tiềm năng, có năng lực trong dân, lại có sự tiếp sức quốc tế, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa bật lên được” [1] mà ví dụ điển hình là “ODA: không thiếu tiền, chỉ thiếu cách giải ngân” [2].

Những nút cổ chai và gông cùm mềm này, vì thế, cần phải được gỡ bỏ.

Còn nữa

— Ghi chú:

[1] Phạm Chi Lan: Việt Nam phải chịu phát triển. http://www.tuanvietnam.net/2009-12-08-viet-nam-phai-chiu-phat-trien

[2] Hoàng Phương: ODA: Không thiếu tiền, chỉ thiếu cách giải ngân. http://www.tuanvietnam.net/oda-khong-thieu-tien-chi-thieu-cach-giai-ngan

Bình luận về bài viết này