Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Không có gì quí hơn Độc lập – Tự do

Ba tôi – một nhà ngoại giao và tình báo

Posted by Tuần tin tức trên 23.12.2009


Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn lúc còn sống hay nhắc tới “anh Bảy Hoàng”, ba của tôi, như một người đồng đội, người bạn thân thông minh, chí nghĩa, chí tình… Còn với tôi, ba là thần tượng, một người cha tài giỏi và có trái tim chỉ chứa tình yêu.

Năm 1945, 15 tuổi, đang là cậu học sinh giỏi của Trường Trung học Cần Thơ, người thanh niên Đặng Đắc Chung đã nghe theo “tiếng gọi thanh niên”, “đáp lời sông núi”, đi theo cách mạng, tham gia Kháng chiến chống Pháp, làm liên lạc viên cho Bộ đội Long – Châu – Sa.

17 tuổi, ba đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và thời gian 9 năm kháng chiến ba trở thành cán bộ trợ lý tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 5 đặc công Nam Bộ, rồi giữ nhiệm vụ Chính trị viên thuộc Sư 338.

Năm 1954 ba tập kết ra Miền Bắc. Theo yêu cầu của cấp trên, ba chuyển sang làm công tác ngoại giao thuộc Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, trực thuộc văn phòng Phủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chánh văn phòng của Ủy ban này là ông Phạm Ngọc Thuần, một trí thức đi theo cách mạng (em trai ruột là Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo).

Năm 1965, ba được lệnh làm công tác bí mật, vào Nam “nằm vùng” họat động tình báo, thuộc lưới 22. Suốt nhiều năm công tác, với vỏ bọc chắc chắn, cùng sự hỗ trợ của đồng đội, đồng chí, ba chưa từng bị thất bại, được cấp trên và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương vì đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một chữ “Tình” của nhà ngoại giao

Bác Hồ với Nhà ngoại giao và tình báo Bảy Hoàng (áo vest, ở giữa)

Thời gian ba tôi làm trong ngành ngọai giao, nghe ba kể lại những câu chuyện của thời xa xưa đó mà thán phục, cho dù ba không qua một lớp đào tạo chính quy nào về ngành. Lúc đó khách sang việt Nam phần lớn là khách của các quốc gia bạn bè như Liên Xô, Cu Ba, CHND Triều Tiên, Lào và một số quốc gia Đông Âu khác…

Ba nói, ba học nhiều được cách giao tiếp và phong cách đối với khách nước ngoài từ Bác Hồ. Ba có vài tấm ảnh chụp chung với Bác khi tiếp khách nước ngòai, nó cũng là “di vật” quý giá của gia đình tôi.

Không nên tự ti mình nước nhỏ, nước nghèo mà phải luôn có một tư thế vừa phải khi đứng trước khách, không cúi đầu quá thấp (vì người Việt mình đã thấp hơn họ). Không bắt tay khách nữ quá chặt hay quá lỏng sẽ là khiếm nhã hoặc thiếu nhiệt tình. Đặc biệt, muốn làm tốt công tác ngọai giao, trước hết bản thân mình phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt.

Có lẽ thế mà ba đã vừa làm vừa học hàm thụ ở khoa sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ba còn tìm đến các nhà văn hóa học thời đó như ông Nguyễn Khắc Viện để tìm hiểu sâu về văn hóa Việt. Ba tự đề ra cho bản thân mỗi tuần phải đến bảo tàng để học hỏi và hiểu biết thêm, có như thế khi đưa khách đến tham quan, mình là chủ nhà phải hiểu cặn kẽ “nhà mình” để giới thiệu với khách.

Ba là một người “cầm-kỳ-thi-họa” tài hoa. Ba nói làm công tác ngọai giao, nhất là ngọai giao văn hóa mà không biết chút gì mấy “món ăn chơi tao nhã” đó thì kể như thất bại.

Nhưng điều tôi học được ở ba chính là chữ “Tình”. Khi Sài Gòn giải phóng 30/4/1975, có khá nhiều những người thuộc “đối phương”, là chỗ thân quen của ba, đã từng gíúp ba có vỏ bọc chắc chắn khi họat động “nằm vùng” ,đi di tản.

Nhiều năm sau đó, năm nào tôi cũng thấy ba nhận được những tấm thiệp chúc mừng năm mới từ một số quốc gia Mỹ, Pháp, Đức, Anh… của họ, nhưng ba không bao giờ hồi âm. Tôi lấy làm lạ hỏi ba tại sao?

Ba nói, khi hoạt động nội đô chính họ đã giúp cho ba hoàn thành nhiệm vụ và bảo vệ ba được an toàn. Họ vì nhiều lý do ra đi, nhưng ở các quốc gia đó, những người Việt với nhau và cả người Mỹ… vẫn còn những vấn đề “bất đồng quan điểm” với Việt Nam. Nếu ba liên lạc với họ, có thể sẽ làm ảnh hưởng cuộc sống, vốn đã rất khó khăn và phải bắt đầu lại từ đầu khi xa xứ của họ.

Vâng, cho dù đã nhiều năm, nhiều vấn đề đã được “thông suốt”, nhưng ba vẫn bảo vệ họ. Tôi hiểu, nếu như vì sự bất cẩn nào đó mà có ai biết họ đã từng giúp đỡ cho Tình báo Việt Cộng, không chắc họ đã đuợc bình yên nơi đất người.

Ba giữ một chữ “Tình” với họ, có thể cả ngày trước khi “nằm vùng” và ngay cả sau này. Và tôi tin là họ cũng hiểu điều đó, minh chứng là cho tới bây giờ, khi ba tôi đã mất rất lâu, mỗi năm gia đình tôi vẫn nhận được thiệp chúc mừng năm mới từ họ với những lời thăm hỏi rất chân tình.

Nhạy bén và tầm nhìn xa

Để có một ngày 30/4/1975, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng tình báo chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với những tên tuổi đã trở thành huyền thọai của ngành Tình báo Việt Nam như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Trung tướng Phạm Xuân Ẩn… và nhiều nhiều những chiến sĩ tình báo xuất sắc, trong đó có ba tôi.

Tôi may mắn được ba kể lại cho nghe rất nhiều câu chuyện về thời gian họat động nội đô trước giải phóng của người. Có những chuyện, ba nói là “nghe thôi, không được kể lại”, có lẽ do tính bảo mật thông tin của ngành, phải “đợi” thời gian mới có thể được “giải mật” công bố. Nhưng từ những câu chuyện của ba, tôi đã học được rất nhiều điều để ứng dụng trong cuộc sống.

Khi tiếp cận một vấn đề, hãy nhìn nó theo nhiều chiều, cả xấu, cả lạc quan, cả các “thì”- quá khứ-hiện tại-tương lai…Và đưa ra những phương án diễn tiến của vấn đề. Có như thế mới thấy được rõ,và có cách xử lý theo nhiều phương án, không bị động.

Ví dụ như khi có được một thông tin “hàng quân tiếp vụ xuống giá”, là hàng của Mỹ viện trợ cho quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh, hồi đó cũng bị tuồn ra ngòai bán bằng nhiều cách (như bây giờ gọi là tham ô, tham nhũng).

Điều suy nghĩ đầu tiên là “Mỹ sắp có chiến dịch lớn”, hay “Mỹ sắp đổ thêm quân vào Việt Nam”… Hàng xuống giá, có nghĩa là nhiều. Nhiều có nghĩa là hàng viện trợ đang ào ạt đổ vào kho quân nhu, như thế có thể chuẩn bị cho “đánh lớn”, hay tăng quân… Và công việc tiếp theo là tìm thông tin từ những đối tượng liên quan để có giải đáp…

Khi tiếp xúc đối phương để tìm kiếm thông tin, đừng bao giờ đặt thẳng vấn đề cần tìm hiểu mà hãy chịu khó đi “đường xa”, để cho một lúc nào đó “vô tình” khơi gợi vào vấn đề, và đối phương sẽ “mắc bẫy”. Tuy nhiên lúc đó cũng đừng quá hồ hởi nhiệt tình khi mục đích đã đạt, mà phải tạo vẻ ngòai thờ ơ, có thể sẽ còn thêm nhiều thông tin.

Tâm lý đối phương tiếp cận cũng là một vấn đề cần quan tâm nếu như muốn khai thác thông tin từ họ. Đó là một “nghệ thuật” để chiếm được cảm tình của họ, và như thế họ mới có thể “rút ruột” cho mình nhiều thông tin cần thiết.

Một tình báo viên giỏi là phải biết phân tích thông tin, phải có sự nhạy cảm để nhận xét độ chính xác của thông tin, phải độc lập tác chiến với mọi tình huống, kể cả những tình huống như chuẩn bị trước cái chết của mình, một khi thất bại.

Có lẽ thế mà ba tôi đã luôn hoàn thành nhiệm vụ và giữ được sự an tòan tuyệt đối cho mình, kể cả những năm 1969-1970 , sau chiến dịch Mậu Thân, khi các mạng tình báo của ta ở nội đô Sài Gòn gần như tan tác, có nhiều người phải tạm lánh sang Campuchia.

Chữ “Tình” trong gia đình

Nhà ngoại giao Đặng Đắc Chung (Bảy Hoàng)Là cán bộ của Cục Nghiên cứu – Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN
Cán bộ Đoàn 22 Tham mưu Miền trong những năm kháng chiến chống Mỹ
Cán bộ Tổng Cục 2  – Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng

Đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương:

-Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất
-Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba
-Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba
-Huân chương Quân kỳ quyết thắng hạng Nhì
-Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc
-Huy hiệu Binh chủng Đặc công
-Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

Ba nói, mẹ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi có chồng là bộ đội, rồi là nhà ngọai giao, và sau cùng là một tình báo họat động trong lòng địch, và cả sau khi đất nước thống nhất. Có lẽ thế mà những lúc hiếm hoi được bên mẹ, ba luôn dành những tình cảm yêu thương, trân trọng và không kém lãng mạn.

Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ ba khi gọi mẹ bằng “em Mười” rất ngọt mỗi khi nói chuyện, và chưa bao giờ ba gọi mẹ bằng một từ nào khác 2 chữ đó.

Tôi cũng nhiều lần như được sống trong một khung cảnh lãng mạn thời tiền chiến, khi thỉnh thỏang vào một tối thảnh thơi ba – đàn ghita, mẹ – đàn mandolin, 2 người đàn hát với nhau những ca khúc tiền chiến rất tình tứ.

Với chị em tôi, tình yêu của ba là vô bờ. Tôi đã thấy ba khóc khi em tôi ngã gãy tay do nghịch ngợm, mà lúc đó em tôi đã 15 tuổi. Ba thương tôi đã từng thiếu thốn tình cha nhiều năm do hoàn cảnh phải xa ba mẹ, nên dành cho tôi tình yêu, chăm sóc như với một đứa bé, nhưng cũng lại luôn xem tôi như một người bạn tâm giao để truyền đạt cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, cũng như trong công việc.

Có một câu chuyện tôi nghe dì Hai – chị của mẹ tôi kể lại. Ngày đó, khi ba đang “nằm vùng”ở Sài Gòn, ghé nhà dì chơi, xem tivi, thấy mấy đứa con nít gái hát múa, ba ngồi chảy nước mắt, nhớ tôi, lúc đó rất bé, vì hoàn cảnh an tòan cho họat động của ba nên phải rời xa ba, mẹ ở một nơi xa…

Dù ba tôi đã đi xa nhiều năm, nhưng hình ảnh của ba vẫn như hiện diện hàng ngày, như một vị thần hộ mạng trong tôi.

Tác giả: Phương Nam

Bình luận về bài viết này